Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Bộ tiểu thuyết lịch sử MÃNH HỔ ĐÀ GIANG



Bộ tiểu thuyết lịch sử
MÃNH H ĐÀ GIANG
CHUYỆN CHƯA BIẾT VỀ VỊ THỦ LĨNH PHAN BÁ VÀNH, PHAN BÁ VINH
VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN KIỆT XUẤT ĐẦU THẾ KỶ XIX CÙNG CÁC HẬU DUỆ

     Tác giả
TRẦN XUÂN ĐẠT

SƠ ĐỒ PHÁT TRIỂN
Bộ sách chia làm nhiều chương, dự định khoảng 1000 trang viết
Gồm 2 tập sách, mỗi tập khoảng 500 trang.

Tập 1

CHƯƠNG I – dẫn giải về bối cảnh lịch sử xã hội và bước đầu xây dựng con đường khởi nghĩa của hai vị thủ lĩnh Bá Vành, Bá Vinh.
Chương II. Xây dựng lại quá trình hai vị thủ lĩnh bắt đầu manh nha gây dựng lực lượng.
Chương III. Xây dựng hình tượng các vị thủ lĩnh và nhân cách.
Chương IV. 
Chương IV. Phan Bá Vành và Phan Bá Vinh phất cờ khởi nghĩa.
Chương V. Diễn tiến cuộc khởi nghĩa đỉnh cao và thất bại – cái chết của Phan Bá Vành.
Chương IV. Phan Bá Vinh trên đường trốn tránh truy sát của triều đình Nguyễn
 
Tập 2

Chương 1 . Đại gia đình Phan Bá Vinh trên vùng đất mới
Chương 2 . Phong trào chống pháp và các thủ lĩnh họ Phan Kế Tấn...
Chương 3. Các trận chiến đấu oanh liệt của vùng đất Tu Vũ và đội du kích
Chương 4 . Phan Sĩ Vĩ và Phan Trọng Gia đối đầu cùng bộ máy chiến tranh của Pháp
Chương 5 . Kết thúc cuộc chiến sự ra đi của các vị thủ lĩnh
Chương 6. Phụ lục các hình ảnh, sơ đồ phả hệ, tài liệu con cháu họ Phan còn lưu trữ được .
Chương 7. Lời kết của nhóm tác giả.

TRẦN XUÂN ĐẠT













Tóm tắt
Cuộc khởi nghĩa nông dân điển hình đầu thế kỷ XIX, dưới triều đại vua Minh Mạng trị vì, do Phan Bá Vành tự Hiển Vinh khởi xướng, được sự ủng hộ triệt để của tầng lớp nông dân nghèo và các võ tướng triều cũ Tây Sơn, đã khiến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế triều đình nhà Nguyễn đương thời sa vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Sức mạnh của cuộc khởi nghĩa như lưỡi dao sắc ngọt găm vào cơ thể triều đình phong kiến đương đà suy thoái mục nát trước dòng chảy lịch sử nhân loại đang thay đổi từng ngày, như tiếng chuông cảnh tỉnh làm rúng động tận gốc rễ tầng lớp vua quan tham bạo đang áp chế toàn bộ đời sống xã hội với lối cai trị áp bức vô nhân tính, bóc lột dân chúng đến tận cùng để phục vụ cho lối sống xa hoa và tham vọng vô chừng của tầng lớp áp bức, đó cũng đồng thời là tiếng nói đấu tranh giai cấp đầu tiên trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam của tầng lớp bần nông phản kháng lại giới điền chủ.
Sau nạn đói kéo dài diễn ra ở khắp các trấn Bắc thành là bệnh dịch hoành hoành lan trên diện rộng từ Gia Định cho đến Bắc thành đã cướp đi 206.835 nhân mạng dân nghèo khổ, nếu tính cả những lưu dân chết vì tật bệnh, ốm đau khi đang trong thời hạn phục dịch cho công cuộc đào khơi sông Vĩnh Tế, và xây lăng tẩm, thành trì cho triều đình thì số người bỏ mạng còn lớn hơn rất nhiều. Trước tình trạng đó, năm 1821 cùng với các tướng súy cũ của triều đại Tây Sơn, Phan Bá Vành đã chiêu mộ dân nghèo trong vùng cùng đứng lên khởi loạn phản đối lại những luật lệ hà khắc của triều đình. Ngay từ đầu, cuộc khởi nghĩa đã có tiếng vang lớn ở khắp vùng Sơn Nam với nhiều trận đánh quy mô nhỏ và vừa như tổ chức các cuộc cướp phá mang tính chất đòn bẩy, xúc tiến cho công cuộc quân bình xã hội trong vùng, lực lượng nghĩa quân tiến hành đánh cướp tiền của, thóc gạo dư thừa, rồi ruộng đất từ tầng lớp điền chủ giàu có chia cho dân nghèo, cứu cuộc sống hiện tại của người nông dân đang bị triều đình nhà Nguyễn “bỏ quên” vừa trải qua những trận thiên tai liên miên tàn phá, thoát khỏi nạn chết đói đang rình rập. Cuộc nổi dậy này thực sự đã phất lên được ngọn cờ đại nghĩa, thu hút được giới nhân sĩ và tầng lớp cường hào rộng lòng nghĩa hiệp trong vùng tham gia và nhiệt tình ửng hộ như Trần Bá Hựu, Hai Đáng, Chiêu Liễn, Ba Hùm .
Bắt đầu khởi sự, cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành chỉ nằm trong quy mô nhỏ của một đám thường dân vùng đầm bãi ven biển, với tổ chức bộ máy khởi nghĩa mang nặng dấu ấn của “giặc cỏ”, “giặc châu chấu”, nhưng tiềm lực phát triển của cuộc khởi nghĩa lại có sức mạnh của một túi nước khổng lồ đã tràn khỏi miệng ngăn bởi lực lượng nông dân nghèo, nguồn cung cấp nhân mạng cho các cuộc giao tranh đã thấy rõ lợi ích của họ, của con cháu họ, của dòng tộc họ qua tinh thần chung của cuộc nổi dậy. Bản thân họ khi tham gia cuộc chiến có thể phải hi sinh, nhưng cuộc sống của những người dân như họ sẽ được cải thiện, ít nhất cũng thoát được sự kiềm chế hà khắc bởi những luật lệ bất công và phi lí từ phía triều đình giáng xuống đầu nông dân như việc thu nạp thuế thân, thuế điền quá cao, đến cả tiền phụ dưỡng áo quần cho binh lính cũng nhăm nhe giáng vào đầu dân cùng đinh bới đất nhặt cỏ suốt đời cam chịu, lại thêm việc triều đình trắng trợn bóc lột công sức của họ mỗi năm 60 ngày làm không công để cải thiện cho quốc khố... Và điều dễ hiểu, chiếm trọn vẹn được niềm tin của những người nông dân nghèo khổ khiến họ một lòng đi theo cuộc khởi nghĩa, đó là vị thủ lĩnh, người chỉ huy đứng đầu cuộc khởi nghĩa cũng từng có thân phận và từng trải qua cuộc sống nghèo khổ như họ, tất nhiên sẽ hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và gắn bó với họ, mà quan trọng hơn cả là cái đức làm người của Phan Bá Vành thể hiện rõ qua từng mối bang giao, với mẹ, với anh em thân thích và với thuộc hạ, địch thủ khi giao chiến, đàm phán...
Trong đám dân nghèo nổi dậy buổi đầu tụ binh hành nghĩa, ai nấy đều cảm phục và hiểu thấu đáo, tường tận cuộc sống nghèo khó, và quá trình chật vật mưu sinh của hai vị đầu lĩnh Phan Bá Vành, cùng người phụ tá đắc lực của ông - người anh trai ruột Phan Quý Công tự Bá Vinh, người đã đêm ngày tận tụy chăm chút lo lắng cho người em trong suốt thời gian chuẩn bị diễn ra các trận đánh lớn.

Năm anh em Phan Bá Vành mồ côi cha từ nhỏ, họ chỉ nhớ đến người cha và hình dung ra hình ảnh của người cha qua lời kể của bà mẹ Mai Thị Vẻ một đời lam lũ và người anh cả Phan Thanh Cầu đang nối nghiệp cha làm nghề chạy đò dọc chở khách buôn xuôi ngược từ Ba Lạt thuộc trấn Sơn Nam Hạ, ngược theo dòng Sông Cái đến các miền thượng du Sông Đà đổi mắm muối, thủy sản lấy lương thực ngô, đỗ tương về làm lương ăn. Chính nghề chạy đò dọc và các cuộc vật lộn mưu sinh với sóng nước Ba Lạt, thác ghềnh Sông Đà cùng cái đói kinh niên do thiên tai, nạn dịch, phu phen, thuế khóa đã cướp đi thời trai trẻ và sức lực người cha của những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Sau khi đứa trẻ thứ 5 chào đời, người cha làm nghề chèo đò dọc ấy vì vội chuyến đi, chỉ kịp dặn với lại cho vợ đặt tên đứa con gái vừa sinh là Phan Thị Bầu, rồi vội vàng vác mái chèo tất tả chạy ra bến cho kịp chuyến đi định mệnh... Người vợ trẻ vừa sinh chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ ôm tấm hài nhi nhìn theo bóng chồng hút xa dần về phía bến nước rồi ngậm ngùi sai đứa con thứ tư là Phan Cầm vào nhà với hộ bọc lá vối khô còn dắt trên tấm phên tre đầu hiên để sắc nước tắm cho em. Cuộc vượt cạn của người mẹ trẻ khi không có bàn tay người trợ giúp rồi cũng xong xuôi. Đứa trẻ gái sinh ra dưới sự chở che của mái lều tranh đầu làng Cốt Lâm (Quyết Lâm) giữa thời loạn ly giặc dã, trong bối cảnh xã hội đang rối ren bởi ba bốn thế lực trong nước châu vào xâu xé tấm lụa vương triều hình như cũng hiểu nỗi khổ của kiếp làm người, nên khá bụ bẫm, dễ nuôi. Và rõ ràng như có bàn tay định mệnh nghiệt ngã đã xen vào cuộc sống của nó ngay từ lúc mới lọt lòng, chuyến đi ấy người cha đẻ đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Ông và những người dân nghèo đi cùng chuyến hàng bị mắc kẹt giữa vòng vây truy quét quân Tây Sơn của đoàn quân Nguyễn Phúc Ánh, bị bắt và bị xử tử ngay tại chỗ bằng lưỡi gươm oan nghiệt của các dũng sĩ Đàng Trong đang ngùn ngụt lửa chiến thắng, chẳng lời phán xét phân xử.

Bình sinh Phan Bá Vành có sức khỏe hơn người, công việc thổ mộc, nông tang đối với chàng trai xứ ven biển chỉ như một thú vui nhàn tản của người đời. Hai anh em ông nhận quật đất đắp ruộng, cày bừa, đào khơi ao cá cho các nhà trong vùng rồi đi ra cả các vùng lân cận tìm việc nhận làm. Trên đường mưu sinh ông có điều kiện tiếp xúc, chứng kiến được những cảnh tan đàn xẻ nghé của tầng lớp dân cư nghèo khổ đang rên xiết quằn quại dưới sự áp bức bóc lột đến tận xương tủy của lực lượng quan lại địa phương nhũng nhiễu. Lại thêm cảnh chiến tranh liên miên hòng giành ngôi tiếm vị của đám quan tướng triều Lê – Trịnh, triều Tây Sơn, với triều đình nhà Nguyễn đương thời, bỏ bễ việc đê điều canh nông không nhòm ngó dẫn tới nạn lũ lụt đẩy cuộc sống dân cư các vùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ vào thảm cảnh màn trời chiếu đất.       
Trong một chuyến làm ăn xa tận mạn Yên Quảng, Hải Dương, Phan Bá Vành đã gặp được những người chiến binh cũ của triều Tây Sơn đang hoạt động trong các trấn, các tổng, tập hợp thành những đám nghĩa binh, ngang nhiên tổ chức cướp phá, đe nẹt đám nha lại trong trấn, những kẻ bên ngoài thì đè nén dân đen như gang, như thép, nhưng khi gặp gỡ đàm phán với quân “trộm cướp” triều cũ Tây Sơn lại nhũn chi chi. Hành vi cao thượng của đám “trộm cướp” triều cũ Tây Sơn đã khiến chàng trai lực điền trấn Sơn Nam hết lòng cảm phục, nung nấu ước mơ hành nghĩa cứu giúp dân nghèo quê ông khỏi họa quan tham nhũng nhiễu.
Để thực hiện được dự định lớn lao của mình, Phan Bá Vành thu xếp cho người anh Phan Bá Vinh trở về sớm hơn dự định để chăm sóc mẹ già và quán xuyến công việc gia đình, còn mình quyết định lưu lại, thăm thú sơn thủy, tìm cách gặp gỡ vị thủ lĩnh nghĩa binh xin ra ứng nghĩa, mong dốc lòng giúp đội nghĩa binh gây dựng thanh thế, và củng cố mở rộng tổ chức thỏa chí hướng đang ngày đêm nung nấu của mình. Do yêu cầu giữ bí mật triệt để của lực lượng nghĩa binh ủng hộ triều đại Tây Sơn ở Hải Dương, nên việc một người từ nơi xa lạ đến hăng hái xin nhập hàng ngũ, đã khiến các vị thủ lĩnh đặt nhiều nghi ngờ, lại thêm ngoại hình của chàng trai trẻ trấn Sơn Nam Thượng phát ra những dị tướng, khiến họ càng e dè, chỉ dám chấp nhận cho tham gia vào đội nghĩa dũng và hết sức đề phòng không cho tiếp xúc vị đầu lĩnh.   
Được đứng vào đội ngũ của những người tụ nghĩa, chàng trai trẻ Phan Bá Vành ra sức luyện tập võ nghệ mỗi ngày, vốn sẵn sức khỏe hơn người, chàng trai hơn hai mươi tuổi ấy không quản ngại bất kỳ công việc nào được giao. Trong đội ngũ những nghĩa binh hàng ngày tiếp xúc luyện tập cùng, đa phần đều là người lớn tuổi hơn Phan Bá Vành, đã từng xông pha chinh phạt các xứ theo đoàn quân của vua Quang Toản khi còn đương triều Tây Sơn, những chiến binh này tuy giàu kinh nghiệm và từng trải dạn dày trong chiến trận, nhưng trong tổ chức hoạt động nhỏ lẻ, đa phần họ đều hành động bột phát không tuân thủ theo một mục đích nào cả. Họ tập hợp nhau lại thành những ấp trại, tự xác định và bảo vệ lãnh địa của mình, tự túc trồng cấy lương thực, thực phẩm. Thi thoảng lại ồ ạt ra quân thảo phạt đám hào mục, quan lại các địa phương lân cận nhằm răn đe, nhắc nhở đám sai nha hãy biết tránh xa phạm vi hoạt động của nghĩa binh, hoặc giả có đám quan lại trong trấn thường vẫn có mối liên hệ ngầm với nghĩa binh, bị nha dịch địa phương khác nhăm nhe gây hấn, họ đành nhờ tới uy thế của nghĩa binh, ra tay cướp phá có khi một gia đình, một tộc họ, có khi một vài xóm dân, cũng có khi cướp sạch cả làng, xã của đám quan lại địch thủ cùng triều đang cai trị.  
 Mơ ước một lần được yết kiến vị đầu lĩnh của chàng trai trẻ xứ Sơn Nam Thượng đã không hoàn toàn như ý, những kế sách chấn hưng tổ chức quân nổi dậy ấp ủ từ lâu đành gác lại, sức trẻ với khát khao mang tài sức của mình phục vụ cho công cuộc đi tìm công bằng xã hội, đành dồn vào những đường cày khai sơn phá thạch trong sơn trại nhỏ giữa vùng núi rừng của mảnh đất Hải Dương xa xôi. Rơi vào tình trạng này, Phan Bá Vành càng thấm thía câu truyền ngôn của đám nghĩa binh già đang bó tay thúc thủ, tự tìm lấy sự bằng an cho đời mình trong chốn rừng xanh núi thẳm qua việc ngày ngày cày ruộng mài gươm luyện võ rồi nghêu ngao hát mãi một câu “thời gian là khuôn vàng đạc nên tài trí anh hùng”.  Thất bại trong việc lập danh xứ người không làm Phan Bá Vành nhụt chí, những trận cướp phá lẻ tẻ nhằm vào gia thế đám cường hào quanh vùng chưa thỏa mãn được chí trượng phu đang hừng hực bốc lửa trong lồng ngực chàng trai vùng ven biển vốn quen dầu dãi với gió sương, với sóng cả, nước lớn, nhưng nó lại là bài học quý báu cho mỗi bước đi của Phan Bá Vành sau này thêm vững chắc...
(XEM TIẾP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét