Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Hoa Mua Tím - tiểu thuyết của TRẦN HOÀNG


           Hoa Mua Tím                                              


                                  Tiểu thuyết của TRẦN HOÀNG



NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG
Năm 2011


I
Trận mưa đêm qua kéo dài tới ba bốn tiếng đồng hồ, sấm chớp ầm oàng cả một vùng, với một lượng nước khá nhiều so với trận mưa đầu mùa. Con suối to chảy qua Mường Mùn, nước đục đỏ một mầu đất và lao mạnh như tên bắn, kéo theo những cành củi to, những khúc gỗ mục, những mảng lá khô theo dòng. Chốc chốc lại có một hai vòng xoáy to sâu hút giữa dòng lũ.
- Xặng, cô gái Mường Mùn, đang đi theo con đường mòn trong Thung Đụn. Những ngọn cỏ thấp giao nhau ở hai bên đường đập nhẹ vào hai ống chân Xặng. Cô vừa đi vừa chao chân theo dòng nước chảy, nước trong vắt nhìn thấy cả những viên sỏi đen nhánh nằm dưới lòng con đường mòn đang lăn trôi.
 Đường vào Mường Mùn đã bao đời nay đều phải đi qua Thung Đụn. Một cái Thung có núi đá cao, có đồi thấp bao vây chung quanh như những bức tường bốn phía, chỉ có một con đường mòn độc đạo ra vào, do vậy nếu ai muốn vào Mường Mùn đều phải đi qua Thung Đụn. Người vùng này gọi Thung Đụn, bởi vì trong Thung có rất nhiều quả đồi to nhỏ, nằm sát nhau như những đụn đất tự nhiên, trông tựa như bát úp liền kề. Một quả núi to trong Thung có cái hang lớn, có lối lên đỉnh núi như đường lên trời. Người dân tộc Mường không mê tín, nhưng ở cái hang đá này, vào những ngày của những năm xa xưa, bọn trẻ chăn trâu cứ nghe thấy tiếng côồng chiêng vang lên trong hang xa xa huyền bí. Bọn trẻ nghe thấy và vào trong hang tìm kiếm thì không thấy gì. Nhưng tiếng côồng chiêng vẫn vang lên văng vẳng đâu đây trong hang. Mấy ngày sau bọn trẻ lại nghe thấy như hôm trước và lại vào hang tìm kiếm xem có người đánh côồng không. Và tiếng côồng lại vang lên từ đâu không rõ nữa. Thế là bọn trẻ liền chạy về Mường Mùn báo cho dân bản biết và đến cái hang đá ấy để chứng kiến xem có đúng như vậy không. Sau một hồi mọi người chờ đợi thì thấy đúng như vậy, nghĩa là có tiếng côồng chiêng vang lên nghe xa xa theo lối lên trời, nhưng không nhìn thấy người, không nhìn thấy côồng chiêng. Mọi người ra về và cho đây là điềm lạ của trời đất, tiếng côồng vang vọng lên trời cao là do hồn côồng kêu lên đó thôi. Thông tin về hiện tượng này được bay đi một cách nhanh chóng cả vùng. Còn người trong bản Mường Mùn, từ bố già đến trẻ con, vào ngày đầu năm tấp nập mang hương hoa vào hang khấn vái mong được sự tốt lành, ai cũng khoẻ mạnh để trồng ra nhiều ngô, khoai, sắn và nhiều lúa cho dân bản no ấm, người dân trong Mường yêu thương nhau, cuộc sống hoà thuận. Những người Mường khác, qua con đường mòn vào Thung cũng đều dừng chân đứng lại ở dưới cửa hang đá mà vái ba vái cầu xin thần linh phù hộ cho họ mọi sự tốt lành.
Với con đường mòn độc đạo ra vào Thung thật thuận lợi cho việc thả trâu, bò trong đó. Khi đã thả chúng vào chúng không thể đi đâu được vì có dãy núi cao bao bọc, chỉ quanh quẩn kiếm ăn trong Thung. Chiều đến vào Thung lùa chúng về là xong, nhà nào cẩn thận thì cho trẻ em đi theo để trông nom .
Một vạt đồi đất thoai thoải trong Thung, trông xa như một rừng hoa đang đung đưa trước gió, lên cao một chút ta bắt gặp những bụi cây sim lác đác quả chín mọng, thẫm đen. Những cụm Hoa Mua Tím thường nở theo hoa sim, khi hoa sim rụng cánh và quả bắt đầu chín thì Hoa Mua mới nở rộ. Quả Mua chín thường nở ra hai ba miếng, mầu thẫm như mực tím, ít người ăn vì vị chát nhiều hơn vị ngọt, cho nên mọi người thường ngắm hoa Mua chứ không ăn quả Mua.
Xặng đi trên con đường mòn, nước mưa xăm xắp chảy qua bàn chân mà lòng như lãng đãng, con mắt nhìn về phía chân trời một mầu hồng sáng rực đằng đông, còn bầu trời phía tây xanh ngắt. Tiếng sáo ở đâu đó vọng vào trong Thung, cùng tiếng côồng dàm ở Mường nào, mà âm thanh đuổi nhau, dập dìu trong Thung như không tắt. Đang bước nhẹ trên con đường ấy bỗng Xặng đứng lại xắn váy lên cao một chút, để khỏi vướng vào những ngọn cỏ ven đường. Mặt trời đã lên cao chiếu xuống Thung Đụn theo những ngọn núi cao thấp, rơi những mảng sáng xuống thảm cỏ và con đường mòn trong Thung, những tia nắng lấp lánh trên những ngọn cây mâm xôi quả chín đỏ mọng, những chùm hoa dẻ vàng và những cây cỏ đung đua nhè nhẹ trên con đường mòn.
Xặng đi tiếp một đoạn đường thì tới một hòn đá to phẳng nằm dưới chân một quả đồi trong Thung. Không biết hòn đá này có từ bao giờ, bọn trẻ trong Mường, trong bản thả trâu bò trong Thung thưòng ngồi trên hòn đá này để chơi đùa, ca hát những câu đồng dao . Xặng đứng lại bên hòn đá, bước chân lên, thu váy ngồi khép mái xuống hòn đá như cái sân chơi mà Xặng vẫn thường ngồi. Không biết Xặng chờ ai? Hay có điều gì  trong lòng Xặng ngồi nhìn mây trời sau cơn mua rừng. Gío từ trên núi cao quanh Thung nhẹ thổi làm bay mớ tóc ngang lưng, Xặng lấy tay hất nhẹ mớ tóc tung về phía sau một cách tự nhiên thật duyên dáng. Với cái ớp đeo ngang hông, con dao đi rừng nhỏ, cái chuôi dao được nạm bằng đồng ở hai đầu trông óng ánh. Nhìn trời một hồi rồi Xặng đứng chỗ cao nhất của hòn đá nhìn về Mường Mùn, nơi có bao điều ước mơ, điều thương, từ lá cây ngọn cỏ đều vương vấn trong ký ức, mà tuồi thơ Xặng đã đi qua theo năm tháng. Lên ba tuổi, bố mẹ sợ phạm huý với một người cao niên trong họ Bùi, bố đã tìm được cái từ Xặng đặt tên cho cô con gái. Cái tên Xặng gọi đã thành quen, Xặng không biết mình còn cái tên nữa là Hoa. Do cách sống của ông bố và bà mẹ Xặng được mọi người quý mến, nên Xã đã đồng ý cho Xặng đổi tên khai sinh, cái tên Xặng được ghi vào học bạ, cùng các giấy tờ khác một cách vĩnh viễn.
Ông bố Xặng tên là Đảm người Mường Mùn. Mường này, từ lúc chưa được nổi một  trăm hộ, nay đã có mấy trăm hộ và trên ba nghìn khẩu. Ông Đảm, có một vóc dáng cao to, khoẻ mạnh, đầu lúc nào cũng húi cua. Ông là cầu thủ bóng chuyền của cả vùng này, thường được mời đi thi đấu ở huyện, tỉnh và khu vực. Ông là cây đập có tiếng của đội tuyển ở bất kỳ đâu. Cũng vì ông có sức khoẻ nên mọi việc đồng áng, nương rẫy ông làm hết, không để vợ con phải đụng tay vào.
Ông, còn là người say sưa với dàn côồng chiêng. ở Mường Mùn nhà nào cũng có tới ba bốn cái côồng, có nhà có gần đủ bộ. Khi Mường, bản có việc vui, việc buồn, ông Đảm tập trung mọi người lại và tấu lên bản nhạc nghe thật bài bản. Ngoài việc đánh côồng, ông còn biết lên dây côồng chiêng, như lên dây đàn vậy. Nghe nói lúc đi thi đấu bóng chuyền ở vùng dân tộc Mường Phú Thọ, ông để ý thấy một bố khà trong đội côồng chiêng, trước giờ dàn cồng chiêng tấu lên, bố khà lấy một cái búa bằng gỗ, lúc úp mặt côồng xuống đất gõ khe khẽ, lúc lại ngửa mặt côồng lên rồi gõ thật nhẹ nhàng, khi bố khà nghe rồi gật đầu, coi như âm thanh đã chuẩn, thế mới tài chứ. Ông Đảm đã học được cách lên dây côồng chiêng ấy và đó cũng là một việc khiến ông say mê, yêu thích. Cái hay của diễn tấu côồng chiêng là diễn tấu tập thể, cũng có giai điệu; Khầm là những chiếc côồng to không vào phần giai điệu, khi những tiếng khầm tấu lên một nhịp là như vang dậy cả núi rừng.
Ông Đảm là người có năng khiếu âm nhạc, khi ông cầm cái ống Ôi đưa lên miệng  thổi, thì tiếng sáo sao mà da diết, tình cảm; nghe thì thầm, thủ thỉ trong đêm Mường Mùn. Mế Chiên vợ ông bây giờ ngày xưa yêu ông là yêu tiếng ống Ôi, ông thổi vào những đêm trăng sáng, người nghe không sao bỏ đi được, cứ phải đến gần mà nghe cái làn điệu ru qua hơi thở ông diễn tấu tiếng lòng mình. Bà là Quách thị Chiện, người Mường Khẻn, một cô gái Mường chính thống, kín đáo, e ấp, duyên dáng, tình cảm với chồng con, với mọi người trong Mường, trong bản. Nghe nói lúc ở tuổi thiếu nữ, bà rất xinh. Cái áo cóm bó sát người, cái  khăn trắng trên đầu, với một mớ tóc dài hất về phía sau lưng. Hàm răng trắng có cái răng khểnh, mỗi khi cười càng tôn cái duyên dáng của bà. Nghe người Mường khẻn nói đã có thời bà là bà nàng của nhà Lang Quách Khang ở Mường Khẻn. Là người có tâm yêu cây rừng, con suối, khi nghe tiếng ống Ôi của ông Đảm cất lên ngày hai người còn trẻ trung, bà thấy tim mình xáo động, có lần bà khóc. Cái cảm x úc khó quên ấy bà vẫn giữ nguyên để rồi giờ bế đứa cháu ngoại vào lòng bà hát mấy câu thường rang cho sống lại kỷ niệm xưa.
Đất ở của người Mường Mùn cứ nhân rộng diện tích ra với đồi rừng. Con suối đầu nguồn vẫn chảy, về mùa khô nước trong vắt, nhìn thấy cả những chú cá cờ, con ốc núi ở dưới dòng suối sâu đang tìm mồi , Những vạt đồi hoa Mua tím trong thung Đụn cứ theo mùa vụ, nở hoa đậu quả.
Xặng đã lớn lên cùng cây rừng, con suối. Nhà có năm chị em gái. Xặng là thứ hai,  Chị cả tên là Hường lấy chồng ở Mường Khặng. Từ ngày chị Hường đi lấy chồng, Xặng được bố Đảm và máng Chiện giao cho trông nom gia đình, nhất là đối với các em dưới Xặng, việc học hành, nền nếp, làm ăn sao cho chị bảo em nghe. Với Xặng, ông Đảm có phần quý hơn một chút, vì Xặng biết đánh côồng, biết hát ví, hát ru, hát thường rang bọ mẹng. Xặng hát ru tự nhiên không cần ai hướng dẫn. Có lẽ do ông Đảm cho Xặng cái gien  âm nhạc côồng chiêng
Cứ mỗi mùa hoa Mua nở rộ, Thung Đụn như một tấm thảm mầu tím trải kín các quả đồi thoai thoải. Tấm thảm khổng lồ ấy ngày một rực rỡ, cũng như Xặng, càng lớn lên, trông càng ra dáng một thiếu nữ xinh đẹp của Mường Mùn ông Đảm mừng thầm, không nói với ai  chỉ mỉm cười một mình khi ngồi trên nhà sàn với ấm nước chè xanh vừa hái ở ngoài đồi về hãm còn bốc hơi nóng. .    Càng lớn lên Xặng càng giống bố. Dáng người to cao, có duyên. Từ bé tới lớn Xặng không được đi đâu xa bao giờ, đôi lần Xặng được máng Chiện cho theo đi chợ Đồi là vui sướng lắm. Gọi là chợ Đồi vì chợ họp ở ngay quả đồi giữa ngã ba, lối đi về các Mường. Cái chợ gắn kết các dân tộc vùng này lại gần nhau,. Chợ thật đông vui, ngoài người xuôi lên buôn bán đổi chác ra, có người dân tộc Mường, người dân tộc Thái, thấp thoàng có cả người dân tộc Dao, quần chẹt xuống chơi chợ. Mỗi lần được đi chợ theo máng về, Xặng thấy lòng bâng khuâng .
Hôm nào không được theo máng đi chợ Đồi, Xặng thấy có cái gì thiêu thiếu, hay là mất đi cái gì Xặng không thể nói ra được. Lúc ấy Xặng lại lấy tập“Chuyện cổ dân tộc Mường” do Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc ấn hành ra ngồi ở võng đọc rất say sưa. Xặng thích nhất là chuyện Út Lót, Hồ Liêu. Cô  Út Lót giỏi thật. Cái thời ấy mà cô đóng giả trai đi về kinh kỳ chầu vua kẻ chợ thay cha, vì cha cô không có con trai, cô đi cùng Hồ Liêu, một chàng trai Mường ở bản khác. Bao ngày trên đường bên nhau, cùng ăn, cùng nghỉ mà Hồ Liêu không nhận ra Út Lót là cô gái Mường. Mãi về sau Hồ Liêu mới nhận ra Út Lót là cô gái Mường xinh đẹp và đem lòng yêu Út. Lót. Có  lúc Xặng cũng muốn đóng giả trai đi bộ đội, vì nhà Xặng không có anh trai, em trai. Xặng cứ cười một mình mà không dám nói với ai về cái ý đinh viển vông ấy của mình. Những buổi chiều hè oi bức, Xặng cùng các bạn trai gái trong Mường bơi lội dưới suối. Xặng cùng các bạn nhảy từ trên cành cây cao xuống suối để thi tài dũng cảm, lặn xuống chỗ nước sâu bắt con ốc đá mang về nhà luộc lên rồi xì xụp, cắn mút. Người Mường ở vùng này ăn cơm chìều rất muộn, ngày rỗi rãi và ngày mùa bận bịu cũng như vậy, cứ tám chín giờ tối mới ăn cơm, tất cả mọi việc đều dồn vào khi còn ánh mặt trời, lúc tối hẳn là lo vào bữa cơm không vội gì,  mọi thứ thật đủng đỉnh. Khi cơm nước xong chuyện tào phào một hồi rồi đi ngủ, thế là xong.
Ông Đảm và mế Chiện ngồi quây quần cùng bốn cô con gái, bên mâm cơm đạm bạc mà rất vui. Một cô đã đi lấy chồng và có đứa cháu gái gọi là cháu ngoại, gia đình ông không câu nệ phải có cậu con trai. Từ ngày cô con gái lớn đi lấy chồng, thấy thương, ông dồn tâm trí vui với tiếng côồng chiêng, tiếng ống Ôi, với những làn điệu hát ru, cũng là để gửi gắm nỗi niềm thương con nhớ cháu của mình vào đấy.
Ngoài việc đi học, thả trâu bò trong Thung ra, Xặng còn lên nương, đi rừng lấy củi,  Ai có dịp đi rừng cùng Xặng, thấy cô gái dân tộc Mường này có cá tính, vì từ động tác cử chỉ  đi đứng ở Xặng thật cứng rắn, đàng hoàng dứt khoát. Khi đi trong rừng gặp dây leo, cây rừng cản lối, Xặng rút con dao đi rừng ra chém chặt phăng phăng, dứt khoát và mạnh mẽ như một trai Mường vậy.
Nhà ông Đảm ngoài đất ở vườn đồi trong nhà ra, ông còn rẫy nương cách nhà độ ba mươi phút đi bộ, trồng ngô, khoai,sắn để tăng phần thu nhập cho những ngày giáp hạt. Hôm nay Xặng được nghỉ học đi tra ngô cùng máng ở trên nương. Cả Mường đã vào vụ tra ngô hàng tuần nay rồi, nhà Xặng vì bận nên hôm nay mới đi tra ngô trên nương nhà mình được. Nhìn những nương ngô bên cạnh đã lên hai ba lá mà thấy xốt ruột, nhưng mế Chiện vẫn yên tâm vì năm nay nhuận hai tháng Năm nên vẫn hợp thời vụ. Vừa tra ngô hai mẹ con vừa nói chuyện, mế Chiện có rất nhiều thông tin, nào là chuyện xã giao rừng, giao đất cho các hộ dân trong Mường, nào là đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua vùng này, nào chuyện …
Chợt mế Chiện quay lại hỏi Xặng:
- Hôm nay có đoàn tuyển sinh nghệ thuật về xã mình con có biết không?
Xặng nghe máng nói ngớ người ra:
- Con không biết đâu .
Đoàn tuyển sinh của trường văn hoá nghệ thuật Tây Bắc, theo lịch đã định,  hôm nay về vùng này và sẽ vào Mường Mùn vì nghe nói Mường này có phong trào văn nghệ tốt so với các vùng khác. Khi đoàn tới con đường mòn qua Thung Đụn để vào Mường Mùn, thì gặp mấy đứa chăn trâu bò. Một người trong đoàn hỏi:
- Các em có biết vùng này ai đánh côồng giỏi không?
Các em nhao nhao nói, và tự hào về quê mình:
- Mường  Mùn quê em có rất nhiều người đánh côồng hay và hát cũng hay đấy, nhưng các chú hỏi làm gì?
- Các chú hỏi để tuyển đi văn công ấy mà.
- Thế thì chúng cháu mách cho các chú: Có một ún ở bản cháu hát hay và đánh côồng giỏi, biết cả múa nữa.
-Chị ấy tên là gì? Ở xóm nào ?
- Chị ấy tên là Xặng, ở xóm đồi Mường Mùn mà.
Trao đổi chốc lát, các thành viên trong đoàn rất ít hy vọng tìm được diễn viên theo kế hoạch, họ tìm vào xóm Đồi Mường Mùn, 
Đoàn tuyển sinh vào Xóm Đồi, bản Mường Mùn xã Đồi Bồ, được đón tiếp nhiệt tình sau khi xuất trình giấy tờ, và đề xuất việc tuyển sinh. Các đồng chí trong thường trực Uỷ ban nhân dân xã đã biết việc này qua thông tin trên huyện báo về từ chiều qua, nên đã được chuẩn bị trước, cho người đi tìm ún Xặng về. Một chú lợn mường được cắt tiết và thui vàng để làm cỗ tiếp đoàn. Mọi người ở đất Mường này quan niệm, có ai ở Mường, ở bản được đi công tác ở huyện, Tỉnh, hay xa hơn ở Hà Nội thì thật vinh dự cho bản Mường. Hơn nữa dân bản Mường Mùn và cả vùng này vốn chu tất với khách, bất kỳ ai đã đến nhà phải uống rượu, ăn cơm với thịt gà măng chua, cho cả nhà cả bản cùng vui.
Vợi là cán bộ của ban văn hoá thông tin xã, rất nhiệt tình với công việc được giao. Khi  ông Đợi, chánh văn phòng Uỷ ban cho đi tìm ún Xặng con nhà ông Đảm về gặp đoàn tuyển sinh, đến nương ngô nhà mế Chiện, Vợi chỉ thấy mế Chiện không thấy ún Xặng đâu.
- Mế Chiện à: Ún Xặng có ở đây không?
- Có đấy. Đang tra ngô với mế, thấy có con cầy hương chạy qua đây, nó đuổi theo vào trong bụi lau kia kìa. Thế anh Vợi tìm nó có việc gì?
Vợi có vẻ bí mật nói nhỏ với mế Chiện:
- Tuyển sinh vào trường văn hoá nghệ thuật của Trung ương, ưu tiên con em dân tộc mình đấy mế ạ. Uỷ ban bắt cháu đi tìm ún Xặng về.
Mế Chiện nghĩ một hồi lâu rồi thủng thẳng nói:
- Con Xặng có biết gì đâu mà tuyển sinh cơ chứ. .
- Mế Chiện ạ! Không biết thì mới vào trường để học. Vào đấy là biết hết, biết đánh đàn, hát, múa, diễn kịch, nói tóm lại là biết hết về nghệ thuật. Nay mai là diễn viên được mọi người hoan hô qúy trọng, tự hào lắm. Đấy là cháu nghe mấy ông tuyển sinh nói vậy, còn tiếp sau nữa làm sao mà cháu biết được.
Vợi đang nói chuyện với mế Chiện, thì Xặng từ trong bụi cây gần đó đi ra tay cầm con cầy hương không to lắm, Xặng đã lừa con cầy vào bụi lau và lấy cây rừng vụt một nhát chết luôn. Giống cầy hương sống nửa hang đất, nửa  trên những gốc cây rừng, chúng ăn rễ các loại cây rừng nên thường xả ra mùi hương ngửi hơi khó chịu, nhưng thịt ăn rất ngon và có một hương vị thật đặc biệt.
Phấn chấn nhẩy chân sáo lại chỗ máng Chiện, nhìn thấy Vợi, Xặng hỏi luôn:
- Anh Vợi đi đâu? Có việc gì mà lại đến nương nhà em vào giơ này?
Vợi lúng túng trước vẻ đẹp hồn nhiên của Xặng :
- Anh …Anh lên đây tìm Xặng về Uỷ ban xã để tuyển sinh vào trường nghệ thuật Trung ương, các chú ấy đang ngồi ở Uỷ ban xã đợi Xặng đấy.
Xặng nhìn Vợi cười ngặt nghẽo làm cho Vợi thấy lúng túng khó xử:
- Em người thế này thì làm được gì về nghệ thuật mà tuyển cơ chứ. Anh Vợi về nói với các chú là đi bản khác mà tuyển, em không tuyển đâu.
Vợi nói có vẻ cương quyết tỏ ra thái độ dứt khoát:
- Nhưng các chú ấy bảo: cứ phải gặp và xem được Xặng rồi mới đi bản khác. Tuyển cả vùng này cơ mà. Thôi về đi không các chú ấy đợi, mà Vợi lại không hoàn thành nhiệm vụ.
 Xặng nhìn máng đang tra ngô trong  lòng phân vân. Về tuyển sinh thì để máng ở lại một mình làm vất vả, mà mình dự tuyển  không được thì  ngượng chết. Thực lòng Xặng cũng thấy hay  hay, nếu được là sinh viên trường nghệ thuật, chắc có bao điều thay đổi. Xặng thấy không thể để anh Vợi đợi lâu liền  quay lại nói với máng:
- Máng ở đây tra ngô, con về xem thế nào rồi con lên ngay máng nhé. Con để cầy hương ở đây, tý nữa máng mang về để bố Đảm làm thịt nấu với măng chua nhắm rượu.
Ở Uỷ ban xã Đồi Bồ mọi người đang ngồi chờ Vợi, có phần sốt ruột. Xặng bước lên cầu thang vào văn phòng thấy mọi người đều lạ. Xặng như thấy chân tay mình thừa thãi, lúng túng, mặt đỏ bừng càng làm tôn lên cái đẹp, cái e ấp vốn có của cô gái Mường đáng yêu. Lúc sau bình tĩnh lại Xặng khẽ lên tiếng :
- Cháu chào các bác các chú ạ.
Mọi người lặng ngắm Xặng không ai trả lời. Ông chánh văn phòng Uỷ ban xã tươi cười lên tiếng :
- Kìa! Cháu Xặng chào các chú đấy.
Mọi người lúc này mới đon đả trả lời Xặng.
- Các chú chào cháu. Cháu ngồi xuống đây cho các chú hỏi chuyện.
Một người trong đoàn tuyển sinh lại gân Xặng hỏi:
- Cháu có thích làm diễn viên văn công không?
Xặng chưa kịp trả lời, thì trong đoàn tuyển sinh có bốn người ở bốn bộ môn Múa, thanh nhạc, nhac cụ, sân khấu, thấy Xặng là cô gái Mường vừa xinh, vừa cao, nhìn có tình cảm, ai cũng muốn thử xem Xặng có năng khiếu về bộ môn của mình không:
- Cháu có thích hát, hay thích đàn?
Xặng nghĩ một hồi rồi nhỏ nhẹ trả lời:
- Cháu rất thích nhưng mà không biết làm, mà có làm cũng chưa hay được đâu chú à
 - Được rồi! Cháu sang gian bên này để cô chịu trách nhiệm về múa xem cháu có khả năng múa không đã.
Sang gian bên kín đáo, cô múa bảo Xặng:
- Cháu xắn váy cao lên một chút.
Xặng xắn cao váy lên, có vẻ hơi ngường ngượng vội hỏi:
- Được chưa hở cô?
Cô tuyển múa đến gần hơn một chút và  nói:
-  Cao lên một chút nữa để cô xem chân Xặng có o trên, o dưới không? Độ dẻo, độ mở, sự bắt chước thế nào? Cháu cứ làm tự nhiên đi.
Xong cô tuyển múa, đến chú tuyển nhạc thử tiết tấu, cao độ, rồi đến cô tuyển hát yêu cầu Xặng hát bài hát mà Xặng thích nhất.
Xặng đứng dậy nói:
- Thưa các cô, các chú, người mường chúng cháu có ru ban đêm và ru ban ngày, cháu xin hát điệu ru ban đêm ạ.
Xặng đứng dậy hát luôn:
“Đập bống bông ừ bông, đập bống bưởi ừ bưởi …”
Bốn người trong đoàn ngồi nghe con mắt chăm chú để ý cách diễn của cô gái Mường đáng yêu, buột miệng xuýt xoa:
- Hay! Hát đã hay  mà cũng biết cách diễn đấy chứ
Đến lượt chú tuyển sân khấu, không cần tuyển gì thêm vì nghe đài từ và diễn xuất rồi nên chú phát biểu ngay:
- Cảm ơn cháu. Cháu đã làm vượt quá yêu cầu của các cô chú. Cháu có thể về đựợc rồi.                              C       Coi như việc tuyển sinh đã xong Xặng xuống cầu thang không kip chào ai và phóng luôn về nhà. Còn bốn người trong đoàn tuyển sinh thì tranh thủ hội ý rồi  sang gặp đồng chí chánh văn phòng Uỷ ban xã:
- Em Bùi thị Xặng trúng tuyển rồi, chúng tôi gửi giấy gọi trước, đến ngày ấy các anh đưa hộ và báo em tập trung ở Uỷ ban xã. Sẽ có xe đến đón các em chu tất. Mong các đồng chí giúp đỡ để em Xặng nhập trường đúng thời gian.
Đồng chí chánh văn phòng cầm chiếc phong bì cất vào cặp cẩn thận:
- Cảm ơn các anh, các chị. Đồng chí Chủ tịch xã mời các anh, các chị ở đây ăn cơm rau với anh em thường trực Uỷ ban, vì đây là dịp may hiếm có với  xã Đồi Bồ chúng tôi.
Nhà ông Đảm và mế Chiện bắt đầu vào bữa cơm trưa, mâm cơm hôm nay có bát canh lóng chuối nấu với nước luộc thịt con cầy hương,  và bát thịt cầy nấu với măng chua thật hấp dẫn. Ông Đảm nói với các con:
- Cả nhà đợi con Xặng về rồi ăn cơm một thể nhớ.
Ông Đảm vừa nói xong thì Xặng từ ngoài ngõ chạy về, vừa nói vừa thở:
- Đói quá máng ạ. Ôi cả nhà đợi con à?
Cả nhà xúm lai hỏi Xặng:
- Sao ? Tuyển có được không?
Xặng định trả lời thì ông Đảm gạt đi:
- Ăn cơm đã! Tý nữa nói sau.
 Cả nhà vào mâm cơm thật ngon miệng bởi vì có món thịt cầy hương. Thật là vui khi bữa cơm có đủ mặt mọi người trong nhà. Cơm xong, ông Đảm ra gian giữa nhà sàn với bộ ấm chén đã để sẵn đó, lấy chè vừa hái ở ngoài đồi về, làm lông chè, rồi đổ nước sôi ở phích vào. Ngồi chờ cho chè ngấm ông đưa mắt nhìn, những đụn mây trắng đang bồng bềnh trôi về hướng Thung Đụn, và đám khói lơ thơ bay qua cửa vóng không biết về đâu. Mế Chiện vào ngồi bên bếp lửa ở gian trong, trên bếp là nồi củ mài đang luộc, do cậu con rể đi đào được ở trên núi cao trong thung Đụn mang về biếu. Củ mài một loại củ giầu tinh bột, thường mọc ở núi đá, củ ăn sâu vào hốc đá có đất. Đào củ mài rất khó và rất vất vả, phải kiên trì mới lôi được một củ từ hốc đá ra. Củ mài nấu với gạo nếp nương, nấu canh, hay luộc ăn, có vị thơm bùi, ngọt. Dân Mường Mùn gọi là Sâm núi. Mế Chiện luộc xong nồi củ mài, đổ ra rỗ bê đến ngồi cạnh ông Đảm :
- Con Xặng đâu ? Chúng mày đâu? Lên ăn củ mài rồi còn lên nương buổi chiều, không muộn rồi.
Ông Đảm lúc này mới , nhìn Xặng hỏi:
- Sao? Sáng nay tuyển có được không?
Xặng biết là bố sốt ruột và lo cho Xặng. Nhưng Xặng còn sốt ruột hơn bố nhiều.  Xặng trả lời bố :
- Khi tuyển song, con chạy về nhà luôn chưa kịp hỏi, Nhưng con thấy mọi người cười vui vẻ, vậy là sao hả bố?
- Thế là yên tâm rồi đấy, bọn nó cười là đúng ý nó mà.Tất nhiên còn phải đợi! Nhưng dù thế nào việc học hành vẫn phảI bình thường, mà phải học thật tốt, vì làm nghề gì, văn gì, múa hát gì cũng phải có văn hoá mới nên.
Mấy đứa em Xặng không biết nghe được thông tin ở đâu, từ ngoài ngõ chạy về reo to:
- Chị Xặng trúng tuyển rồi!... Ông Đảm phải đứng lên nạt:
- Chúng mày nói bé thôi. Ai bảo chúng mày là chị Xặng trúng tuyển mà đã gào lên như thế?.                       
Xặng thấy thương  ba cô em, vội dịu giọng:
- Này các em ai nói là chị trúng tuyển rồi ?
Ba cô em Xặng nhìn nhau, nhìn bố và nói thật khẽ vừa đủ nghe:
- Ông Đợi ngoài Uỷ ban xã nói vậy chứ chúng em biết đâu được.
Ông Đảm cũng thấy bùi ngùi vì nhiều lẽ. Việc trúng tuyển rồi đi nhập trường của Xặng khiến ông liên tưởng thấy năm cô con gái của ông, có lẽ nay mai chúng nó cũng sẽ lần lươt ra đi hết, vì đứa nào cũng muốn ra khỏi cái Mường Mùn này để nên người của nhà nứơc, của huyện, của tỉnh. Ông cho là đó cái lẽ đời của ngày hôm nay, có như vậy đất Mường mới sáng ra, mới được bằng người xuôi, nhưng trong sự chia ly tránh sao được niềm thương, nỗi nhớ mà người gánh chịu nặng nhất là bố mẹ. Ông nhìn bốn chị em Xặng ôm nhau khóc, thấy mế Chiện vợ ông kéo vạt áo cóm lên lau nước mắt, ông đừng dậy nói bâng quơ:
- Đi vào Thung đuổi trâu bò về, rồi chuẩn bị rau cỏ cơm chiều đi không muộn. Bố sang nhà bố khà Diên xem ngày hội côồng chiêng của xã thế nào?
Ông Đảm cầm con dao đi rừng đeo vào ngang hông rồi xuống cầu thang đi thẳng ra cổng.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét