Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

MỞ BANG GIAO KIỆT HIỆT GẶP NHAU



Chương II

MỞ BANG GIAO –  KIỆT HIỆT GẶP NHAU

Đêm vừa chuyển sang canh hai, trong màn đen đặc đầy rẫy bí hiểm, những con sóng đầu tiên cao tới vài cột nước từ phía biển lừ lừ tiến vào, rồi bất thần tung mình ào lên đổ oạp xuống nuốt chửng lấy lượng nước từ phía các cửa sông đang xối xả chảy ra rồi thình lình xô ngược lại, quật từng khối nước khổng lồ văng lên tung tóe dọc hai bờ tả hữu cửa Úc Hải. Sức ép sinh ra từ những chấn động ngầm giữa hai chiều nước xiết bất ngờ xô đập nhau khiến dải bờ đê cũ kỹ của xã Hoa Lai được dựng lên từ những năm Canh Tí (1780) làm bức tường ngăn mặn, cho cánh đồng lúa mơn mởn bỗng rùng rùng chuyển động, những thớ đất dẻo trắng phốp vì nhiễm phèn trong lòng đê bị luồng dư chấn làm nhão ra, cuộn xoắn tựa miếng bột trắng trên bàn tay lũ trẻ ngịch ngợm, báo trước cho đám cùng dân huyện Tiên Minh, những điềm chẳng lành sắp giáng họa xuống đầu họ.  
Cơn bão khốc liệt liền ập đến ngay sau con sóng đột ngột, bất thường đó. Cả huyện Thủy Đường, Tiên Minh, Nghi Dương ngả nghiêng trong vòng xoáy của các trận cuồng phong dữ dội tới tấp dồn về từ biển Đông, những trận gió có sức mạnh bạt núi và tốc độ vận động của đàn thần long sầm sập lao tới, dồn tụ sau dải núi Đồ Sơn rồi khôn ngoan luồn lách chia đều các ngả thành những đoàn quân “giặc gió”, ồ ạt tiến công tràn vào tàn phá các làng mạc, xóm thôn. Mục tiêu tấn công đầu tiên của đoàn quân “giặc gió” là những mái nhà tranh ọp ẹp cùng đám nông phu nghèo khổ, xác xơ như những cọng lá lợp mái đang run rẩy cố thủ trong đó.
Cuộc chiến đầu tiên của đám “giặc gió” là túp lều lợp bằng lá tranh thường ngày vẫn ngạo nghễ vươn ngực ngạo nắng trời của anh chàng mồ côi Hai Hạnh, nằm sát ngay ven đê Hoa Lai. Trận gió đầu tiên xổ tới với hàng ngàn đôi tay vô hình chộp thốc lấy từng nắm lá lợp lớp mái trên cùng muốn giật tung lên để cuốn đi, nhưng may cho nó và chủ nhân của nó - kẻ vẫn đang nằm say bí tỉ sau cuộc rượu đêm qua cùng đám bạn nghèo - nhờ vào sự thức tỉnh kịp thời của những gút lạt mây già ngủ yên trên mái hàng chục năm qua, đã dũng cảm dốc hết sức tàn giữ chặt lấy từng cọng lá, kiên quyết không để cơ hội cho lũ giặc gió cuỗm đi. Cuộc giằng giật chớp nhoáng khiến cả căn lều oằn cong, quằn quại, rã rời từng khớp mộng, không tàn phá được gì ngoài mấy cọng lá đã nát mủn, lũ giặc gió tiên phong đành miễn cưỡng bỏ đi, để lại những tiếng rú rít điên loạn hằn học vang động không gian vì cuộc ra tay đầu tiên đã thất bại.  
Ngôi lều lúp xúp của chàng trai gốc gác làng Nhân Thục, xiêu dạt từ vùng đất bãi sậy, Phố Hiến về ven đê Hoa Lai làm nghề chài lưới hàng chục năm nay, vừa thoát được trận tàn phá lần đầu tiên, lại oằn lên đón nhận liên tiếp những trận tấn công mỗi lúc thêm hiểm hóc, ác liệt. Lũ giặc gió tràn vào sau điên cuồng lao đến tiếp tục tàn phá nốt những gì còn sót lại của trận trước, vẫn những lớp lá trên mái bị muôn bàn tay vô hình túm lắc, giật bẻ, lại được sự trợ lực của những làn roi nước tới tấp quất xuống, từng mối mây già khô mục ngấm nước đứt tung, đám lá lợp mái không còn chỗ bám víu bị cuốn thốc lên cao, rồi bị tung hê vào đêm bay mất dạng, để lại căn lều trơ trọi bộ khung tre cùng gã chủ vẫn say sưa nằm đánh giấc ngon lành mặc làn mưa tuôn xối xả.
Đây chẳng phải lần đầu tiên gã ngủ trong mưa, trên đường tha phương cầu thực gã đã trải qua không ít lần nằm ngủ gục giữa trời mưa lạnh, mặc gió thốc, mưa quất rát lưng, gã cứ điềm nhiên chìm lỉm vào giấc ngủ. Lâu mãi mà chưa quen, nhiều người dân xã Hoa Lai vẫn sợ đến táng đởm kinh hồn mỗi khi chứng kiến cảnh hắn nằm ngay đơ giữa vũng nước mưa đêm trước, đầu kê lên bất kỳ thứ gì vớ được trong lúc ngủ, bắt chân chữ ngũ rung rung đuổi đám ruồi muỗi đói mồi đang bâu kín trên đùi, trên ngực, nhìn cảnh ấy từ xa rất dễ lầm với các xác chết đường của lũ ăn mày. Có lẽ hãi nhất vẫn là đám các cô chưa chồng trong làng hay đi chợ sớm, vừa bảnh mắt đã gặp hắn tênh hênh nằm giữa vũng nước, vươn thẳng tưng cái “cọc chống trời” dưới lớp vải đũi ướt mèm, nhắm mắt đi qua thì ngượng, mà đứng mãi ở đó chờ hắn thức dậy cũng lâu, mắt mũi biết gửi vào đâu. Cuối cùng các cô đành chọn giải pháp, sau những ngày mưa đêm họ hẹn nhau thành từng nhóm trên vạt đê đầu làng rồi mới kéo nhau đi. Có đàn, có bạn nhiều cô còn bạo dạn đến mức biết chắc là hắn nằm đấy vẫn vờ như không, khẽ nhón gót lia thẳng ngón chân vào cái “cọc chống trời” rồi kêu váng lên mình rối chân bị vấp. Những lúc như vậy chỉ thấy hắn ngơ ngác ngồi dậy, rồi đỏ mặt xin lỗi, thanh minh với các cô rằng đêm qua mải hóng mát, mưa không kịp về nhà, đành nằm ngủ tạm trên đường làm phiền các cô phải cất công đánh thức. Từ buổi ấy, trên đường đến chợ các cô lại có chuyện để tán hễu với nhau, gán ghép cho nhau với hắn, chán lại quay qua bàn cãi xem nhân thân hắn đến từ đâu cho đến tan buổi chợ.
Nhân thân hắn họa có trời và riêng hắn mới biết, dân Hoa Lai vẫn ngoa đồn hắn từng là võ tướng Tây Sơn, do giết hại quá nhiều bộ tướng của triều đình trong các trận phá vây giải cứu vị vua trẻ Quang Toản, nên phải đi lẩn trốn ra mạn bể tránh sự truy bức của triều đình.  
Riêng đám nho sinh thối trí trong bản huyện thì kín đáo thì thào với nhau, hắn từng là tiến sĩ cựu  triều, nổi tiếng văn hay chữ tốt, được Gia Long sủng ái cho nguyên chức trong triều mới, do vụ ghi nhầm tên một viên danh tướng họ Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc vào bản khảo xét các vị phúc thần trong dân gian ở 5 trấn Bắc Thành và Thanh, Nghệ nên triều đình khép tội giảo cùng Nguyễn Gia Cát và Đặng Trần Thường, do có người em song sinh thay hắn chịu tội nên thoát chết, hắn vội vã lánh xa kinh kỳ về đây mưu sinh mục đích duy trì nòi giống.    
Mỗi người nói một phách, chẳng thuyết nào giống thuyết nào khiến nhân thân của hắn càng trở nên mù mờ, ai đó tọc mạch có hỏi thẳng hắn cũng chỉ nhận được câu trả lời mù mờ như sinh ra ở Nhân Thục, cha mẹ mất sớm phải tha phương kiếm ăn từ nhỏ, đến giờ cũng chẳng nhớ nổi ruộng đất nhà hắn ở quê còn hay mất. Mấy viên nha lại phủ, huyện nổi tiếng hách dịch, dữ đòn cho trát triệu hắn đến hỏi cũng chỉ nhận được những câu trả lời đại khái như vậy, lại càng mù mờ hơn, đành chịu.
Cơn bão bất ngờ đã tàn phá một vùng rộng lớn ven biển, những mái nhà xơ xác của đám dân nghèo bị gió lốc cuốn bay tung tóe. Chỉ trong một đêm, hơn nửa số dân trong xã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, của nạn thiên tai. Sóng, gió rồi mưa xối xả trút xuống làm con đê ngăn mặn tan hoang, nước từ biển dâng ngập tràn vào từng khoảnh ruộng. Đám lúa đương thì con gái xanh mơn mởn, trong đêm gặp mưa rối rít dướn lên hứng những giọt mưa, chẳng cần ý tứ, những bụng lúa căng đầy, xanh mỡ những đòng đòng đang chờ dịp bung ra trương khoe trước gió. Vậy mà chỉ sau vài tiếng nước mặn dâng ngập chân lúa, chất phèn mặn hả hê bao vây từng đám rễ, những đầu rễ trắng nõn là, mùm mụp trổ vào lòng đất, hút lấy những tinh chất của đất mẹ, bị phèn xót phủ vây sững lại, quắt queo, teo tóp, nẫu ra như cọng giá muối phơi trong nắng. Đám lúa đợi dịp trổ đòng như bị bứng ra khỏi đất, màu xanh non mỡn của bụng, của lá đã không còn, sau vài giờ ngâm trong nước mặn đồng loạt chuyển màu xanh thâm tái, le lói những sọc vàng chạy suốt từng cọng lá.
Không khí tang tóc đã lấp ló xuất hiện ngay sau cơn bão, trên bất kỳ những vùng đất nào có dấu hiệu của gió lốc tràn qua. Có lẽ tiếng khóc tang thương đầu tiên lại vang lên từ nhà lão cả Đúm phía cuối xóm. Túp lều của lão có thâm niên ngang ngửa chủ nhân của nó, có nghĩa cũng già nua cũ kỹ, vẹo vọ, xơ tướp như thân chủ, nằm tương đối sâu trong ngõ, chỉ cách nhà Hai Hạnh chừng 1 cánh đồng. Cả chủ nhân lẫn túp lều dường như đều muốn phô ra sự thủy chung của mình trước thiên hạ, nay túp lều ấy run rẩy đón nhận cuộc chạm trán đầu tiên với cơn gió vừa tràn qua nhà Hai Hạnh. Được tiếp thêm sức mạnh từ quãng trống của cánh đồng lúa, cơn gió thốc lại hùng hổ xộc thẳng vào xóm nghèo của Hoa Lai, nhắm tới mục tiêu gần nhất là căn lều của lão Đúm. Chỉ bằng trận tấn công chớp nhoáng đầu tiên với tốc độ của bầy chiến mã, cả căn lều và sự thủy chung của nó với thân chủ bị cuốn bay không dấu vết, trơ lại trong lòng đám cột tre và bức tường đất cao hơn đầu người là một cơ thể lão già dúm gió, vừa hốt hoảng ngồi dậy, hiểu rõ cơ sự, lão run như cầy sấy nhảo nép vào góc bức tường đất, lấy đám chõng tre úp tạm phía trên đầu rồi cất tiếng gào thét khóc than. Trận mưa xối xả lại ập xuống làm ướt sũng tiếng than van vật vã của lão, nhấn nó chìm lỉm vào màn đêm đặc sánh.
Tới sáng hôm sau thì tiếng than khóc trách trời oán đất của đám cùng dân Hoa Lai như một thứ bệnh dịch lan tràn khắp vùng, trên cánh đồng hôm trước còn xanh mởn màu no ấm sáng ra đã đen đặc những bóng người, lăn lộn, gào thét, quát lác. Mấy mụ nạ dòng trong cơn tức khí đã đem cả lũ lĩ nhà Gia Long ra để cạnh khóe bươi móc, sỉ vả, vì cái tội vỡ đê tràn nước đêm qua. Đám dân bất trị trong vùng ngay lập tức đổ vấy trách nhiệm lên trên đầu vị hoàng đế đáng kính của nước Nam, khiến lũ nha lại phủ, huyện cùng đám lính đồn thú phải lăm lăm tay roi tay thước, đi lại quát lác giữa đám người đang quằn quại vì xót con, xót của, thẳng tay ngăn ngừa ngay lập tức những lời lẽ xấc láo phạm thượng chưa kịp bung ra khỏi mồm lũ dân đen. Những người dân Hoa Lai không xót xa sao được khi chỉ trong một đêm mà bao nhiêu công sức, hi vọng trông đợi của đám dân nghèo đã bị thiên tai tước sạch. Rồi đây cả ngàn con người khốn khổ sẽ trông dựa vào đâu để duy trì cho cuộc sống vốn đã eo hẹp, túng đói, cái chết đang lờ đờ trườn đến trước mắt từng người dân, nhìn những khoảnh ruộng tím tái đang chết dần từng phút trong nước mặn, họ tưởng như có thể quờ tay ra trước mặt là sờ được ngay vào cái chân lạnh ngắt của tử thần đang lững thững dạo gót khắp các nẻo thôn làng. Những lời chửi rủa xấc láo, phạm thượng của lũ cùng dân vẫn không ngớt tuôn ra khiến lũ nha lại phải nhăn mặt bất lực, những cây roi, thứ vũ khí biểu trưng của quyền lực, của sức mạnh trấn áp dường như cũng bị mềm nhũn ra trước những lời than van rên rỉ não nùng và ai oán. Cứ cơ tình này mà để những lời chửi rủa xấc láo kia có cơ hội bay đến tai triều đình thì tội chết sẽ bị quàng ngay vào cổ chúng, nhưng trước cánh đồng người đang bị kích động, bất mãn bởi cái chết đói không thể tránh khỏi sắp ập đến thì sức mấy chúng bịt cũng không thể kín hết được.   
Một ánh chớp lóe lên trong cái đầu vốn dĩ từ khi ra nhậm chức vẫn bị coi là hũ nút của lý Khọm, trước nỗi lo lắng bởi trách nhiệm tày đình phải gánh chịu từ phía quan tổng giáng xuống, đã gợi cho lão lối thoát rất lợi ích và thiết thực. Gã có lợi bởi từ trước khi nhận chức lý trưởng, đã để ý đến đám ruộng nhất đẳng của nhà Hai Hạnh, liền sát bờ nhà hắn mà chưa có cơ hội ra tay chiếm đoạt. Nhân cơ hội này lợi dụng sự cả tin của đám cùng dân vào thần thánh tà ma, chỉ cần phịa ra chuyện mấy đêm trước đi tuần cùng đám trai làng, thấy Hai Hạnh lập đàn cúng tế gọi thần biển về triệt phá người dân trong vùng để trả thù việc dân làng coi gã là kẻ ngụ cư, không cho vào làng. Tin này bung ra tất Hai Hạnh không thể thoát khỏi sự trút giận của dân làng, việc xót của chửi bới sẽ dồn vào đầu Hai Hạnh, đám nha lại sẽ thoát được nỗi lo phải đối phó với đám cùng dân, và trách nhiệm trước quan tổng nhân cơ hội này sẽ phạt vạ, chúng lại phải lo chạy chọt giữ chức rất hao tiền tốn của.
Như lũ chó đói vớ được hơi con mồi, chúng cho đám lính lặng lẽ tỏa ra khắp cánh đồng nhồi nhét tin vu vạ cho Hai Hạnh vào đầu đám cùng dân. Những cái đầu u mê nghe chuyện tà ma huyễn hoặc càng bị kích động mạnh, họ liền nhớ lại những hành trạng quái dị khác thường của gã trai đang trú ngụ ven đê, rồi nhanh chóng khép tội cho kẻ lưu dân khốn khổ đó, khi được đám sai nha, những kẻ đại diện cho bộ máy cai trị của triều đình đứng ra triệu tập cuộc trả thù Hai Hạnh, cả đoàn người bừng bừng lộ khí vội vùng dậy tập hợp thành đoàn quân kéo về phía cuối cánh đồng, nơi có căn lều của Hai Hạnh đang trơ ra những chiếc cọc tre nham nhở như muốn cợt nhả với trời cao.   
Đám người thất thểu di chuyển như những bóng ma bủa tới vây kín trước cửa nhà của chàng trai gốc gác làng Nhân Thục, những hình hài tiều tụy xanh xao vì đói, vì tuyệt vọng, vì mất hết đường sống túm lại, xô dạt vào nhau ùn lại trước cửa. Ngọn lửa thù hận được khơi dậy, lại bị kích động bởi sự cuồng hứng đầy thú tính và man rợ trước hình ảnh con mồi be bét máu sẽ là vật hiến tế cho các con quỷ giận giữ đang ngự trị la hét trong đầu họ được thỏa mãn, đã tiếp thêm sinh khí cho đoàn người. Sát khí đã bừng dậy trong từng ánh mắt dõi theo bước chân lý Khọm đang sợ sệt, lom khom dòm vào phía sau khung cửa. 
Đập vào mắt lý Khọm là hình ảnh đầy bi thương của Hai Hạnh, gã vẫn nằm chỏng trơ trên chiếc chõng ướt nhoèn, đám lá lợp mái mục nát bị gió cuốn mất, trơ ra mảng trời xám xịt, hở toang hoác. Trong làn ánh sáng bủng hắt xuống, cái cục yết hầu của Hai Hạnh vẫn đều đều đưa lên, đưa xuống kèm theo tiếng gáy ngủ ngon lành. Quá điên tiết trước vẻ vô tư của gã lực điền quê kệch, lý Khọm lấy hết sức bình sinh giáng liền hai gậy căm hờn vào bắp vế gã lưu dân, từ lâu đã thành cái gai trong mắt lý Khọm, nhưng hình như hai nhát gậy trút hận ấy chẳng có chút ý nghĩa gì với cơn say ngủ của gã trai lực lưỡng nhất tổng đó, khiến lý khọm vừa sợ, vừa tức, sau khi đã trấn tĩnh lại, hắn đứng xạng chân quát tháo chửi rủa kể tội Hai Hạnh cốt cho đám dân cùng đang háo hức trả thù nghe thấy. Phúc tổ cho nhà lý Khọm đã biết chọn đúng cơ hội, bởi Hai Hạnh vẫn đang nồng nàn vùi sâu trong giấc ngủ của cuộc rượu vui hôm trước. Chỉ khi bài chửi của lão lý kết thúc, và anh lính trong dinh quan tổng hùng hổ vác thước nhảy vào cuộc, nghiến răng bổ mạnh đầu thước vào cái cơ thể đang nồng nặc mùi rượu, Hai Hạnh mới ngơ ngác tỉnh dậy. Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo ra sao đã nghe tiếng la hét om sòm của đám dân cùng đinh trong làng, tiếng lý Khọm lúc này đã rút ra ngoài sân đứng sa sả chửi bới nhiếc móc đích thị tên Hai Hạnh dân ngụ cư vô ơn bội nghĩa với làng, cùng nhiều tiếng hô đòi giết lấy đầu tế sống dân làng của đám đông, trong mớ âm thanh hỗn tạp đó, Hai Hạnh còn nghe rõ cả tiếng khàn khàn hụt hơi của lão Đúm già, mặt mũi quắt queo vẫn thường qua lại chỗ anh xin rượu uống. Hai Hạnh đã lờ mờ đôi chút về sự nguy hiểm đang rình rập xung quanh, khẽ nhướng mắt nhìn lên lờ mờ thấy tay tên lính tổng đang xanh xám mặt mày, nghiến răng trợn mắt vụt xuống đầu mình cái thước gỗ lim bản vuông đen bóng. Khẽ vặn người tránh được cú đánh, nhưng vai Hai Hạnh chợt đau nhói, tê dại tuy tránh được nhát thước bất ngờ bổ xuống đầu, nhưng một bên vai của anh đã dính trọn cú vụt đầy căm hận chết người. Cảm giác uất nghẹn vì bất công phi lí đang dồn dập ập xuống đầu mình, lại phát hiện ra căn lều đã bị tàn phá tan hoang kiến máu trong người Hai Hạnh sôi lên, đôi mắt vằn ánh đỏ dữ tợn nhìn tên lính. Phát gậy thứ ba chưa kịp hạ xuống đã nghe thấy tiếng một rắc khô khan cùng tiếng rú ghê người của tên cầm gậy. Chỉ bằng một cú lao vọt và một nhát chém tay nhanh lẹ vào bả vai tên lính, cây gậy trong tay gã vuột rơi xuống nền đất. Cú chém tay bất ngờ của Hai Hạnh đã làm tên lính gãy xã cánh tay. Thất thần ngã vật xuống. Lý Khọm chứng kiến cảnh tượng đó hết hồn lao vội vào đám đông, hò hét hối thúc đám người xông vào tiêu diệt kẻ thù của làng. Đám trai làng ngày thường vẫn hay qua lại cùng Hai Hạnh nay nghe lời xúi bẩy của lý Khọm nhất loạt xông vào phía sân lều, một cuộc tương tàn xảy ra không cần lời phân giải, ngã ngũ. Những đường dao loang loáng vung lên, bổ nhào, lăn xả vây chặt xung quanh Hai Hạnh, những cú đánh trả chính xác khiến đám người đau khổ quằn quại văng ra tứ phía, rên la, khắp sân la liệt kẻ gẫy tay, người sái cổ, kêu khóc rầm rĩ. Lý Khọm từ khi chứng kiến cảnh Hai Hạnh tả xung hữu đột giữa đám đánh nhau thì sợ hãi, xanh xám mặt mày, vội vàng nhấm nháy đám nha lại rút vội về làng cho người cấp báo lên phủ tin tên Hai Hạnh ở làng Hoa Lai nổi loạn chống triều đình...
Trận đánh lộn diễn ra đến quá trưa thì đám đông tự động tan chạy mỗi người một ngả, khi có người phát hiện ra phía cuối làng xuất hiện từng toán lính phủ với giáo mác tua tủa, hàng ngũ tề chỉnh rầm rập chạy ra bao vây phía cánh đồng. Đám thường dân khi được lý Khọm kích động hung hăng là vậy, nay thấy bóng quan phủ thì xanh xám mặt mày hè nhau trốn chạy, để mặc lũ bị thương vật vã trên nền đất. Biết khó ở lại chốn này, Hai Hạnh cũng vội vàng cắm đầu bỏ chạy về phía biển theo đám người đang thần hồn nát thần tính.     
Sau trận hỗn chiến, hơn hai mươi kẻ bị bắt giải lên huyện phủ, đó là những người bị thương lê lết trong trận ẩu đả, gieo rắc cho dân làng Hoa Lai ngoài cái lo mất mùa đói kém lại phải lo tới hơn hai mươi nhân mạng sắp bị kết án tù vì tội tiếp tay cho giặc Hạnh chạy trốn khỏi sự truy bắt của quan phủ. Cái vòng cùng quẫn, bán vườn, bán ruộng, đợ con lại bám riết lấy những gia đình có người bị bắt trong vụ ẩu đả. Lại thêm những luồng thông tin đồn thổi mỗi ngày một nóng dần theo chân đám quan khách nha lại trên phủ về làng tung ra, ít nhất cũng hơn chục người sẽ mắc vòng tử tội, khiến đám ngu dân lại cuống cuồng lo lắng, tru tréo lôi tên giặc Hạnh khốn kiếp ra mà chửi, bởi vì hắn mà gia đình họ bị liên lụy, tan đàn, sẻ nghé. Sau nhờ lý Khọm đáng mặt anh tài, đi lại chạy chọt, môi giới bán chác ruộng đất hơn 50 mẫu, đám cùng dân mới được bảo lãnh đưa về, nhưng phải sung vào đội gia nô của lý Khọm, chịu sự sai khiến quản thúc trực tiếp của lão...
*     *
*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét