Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

PHAN BÁ VÀNH – PHAN BÁ VINH



Chương I

PHAN BÁ VÀNH – PHAN BÁ VINH

Đồng làng Cốt Lâm đang chờ vào vụ cày ải, nên đám thợ cày ở đây được những nhà có ruộng thuê mướn, trọng vọng cốt nhanh chóng cày vỡ đất cho thối gốc rạ, thành ra mỗi vụ vỡ ải cũng là dịp kiếm chác của đám thợ này. Bất kể là ruộng nhà ai, từ đám lý dịch, hương chức trong làng cho đến ruộng học, ruộng giáp, ruộng hậu cũng đều cần nhanh chóng, mỗi buổi vác cày ra đồng, đều được đãi cơm rượu 3 bữa xênh xang, thuốc xái đầy đủ, cộng thêm đấu gạo dắt vai mới mong họ mắc ách trâu mà làm cho. Dưới cái nóng của trời, cộng thêm sự thôi thúc của thời gian đuổi vụ, với tâm lý cẩu thả của người làm thuê đã khiến những đám ruộng trên đồng hoá lốc chốc, nham nhở, chỗ cày chỗ bỏ, đại khái qua quýt, còn lổng chổng những gốc rạ.
Chiều đã muộn, những tia nắng cuối cùng của ngày hạ còn cố đeo đẳng rọi vào thiêu đốt từng xá cày trên mặt ruộng trắng xoá nước, toả ra cái nóng hầm hập. Phía cuối cánh đồng, nơi lơ phơ mấy bụi tre gai, từng tốp nông phu đang tháo ách trâu, tranh thủ cho chúng nghỉ ngơi ăn cỏ, rồi xúm lại bên nhau, kẻ nằm, người ngồi ngả nón quạt lấy quạt để, rồi râm ran tán chuyện trên trời dưới bể.   
  Cơ trời vận nước vẫn vần xoay theo một chu kỳ dịch chuyển nào đó mà làm nên bốn mùa, tám tiết, chí anh hùng chợt tỏa sáng giữa đêm tối mới khiến người người chú ý, lưu tâm. Trong trận cướp phá Kim Thành, đội nghĩa binh trại Giáp Sơn đã chạm trán cánh quân nội phủ, bị bao vây ngặt nghèo, chỉ chờ bó tay chịu trói. Trước tình thế khốn cùng lui không được, tiến không xong, giữa lớp lớp giáo mác trùng vây, chàng trai trẻ trấn Sơn Nam Thượng vẫn điềm nhiên chỉ đạo từng toán nghĩa binh đang hoang mang mất hết nhuệ khí, tập trung lại quanh mình, cầm chắc vũ khí giữ vững trận thế, rồi một mình một kiếm tiến thẳng đến trước mặt viên phó tướng đang ngạo nghễ vung đôi chùy đồng trên lưng ngựa. Những tiếng vun vút xé không khí của đôi trùy gai lập tức bổ xuống bao vây, phủ kín xung quanh chàng trai, đến con ngựa chiến vốn quen xông pha trận mạc là thế cũng phát hoảng lên trước những tiếng xé gió vun vút, trong ánh đồng, ánh thép loang loáng quấn lấy nhau thành một khối cầu. Những người xung quanh trận quên cả tình trạng nguy hiểm trước mắt, chỉ biết trợn mắt há mồm ngạc nhiên trước lối đánh không cân sức đang diễn ra giữa trận. 
Viên dũng tướng triều đình với lợi thế trên mình ngựa, liên tiếp bổ những thế chùy gia truyền xuống đỉnh đầu đối phương những tưởng chỉ vài đường cơ bản sẽ đập nát bét sọ tên giặc cỏ nhãi nhép, mặt còn lún phún đám lông tơ phía dưới mình. Nhưng càng tấn công ông lại càng hoang mang trước lối đón đỡ nhịp nhàng, uyển chuyển từ đối phương, trái hẳn lại những nhát bổ, đâm, vạc với sức mạnh ghê hồn của đôi tay viên mãnh tướng trọn đời sống trên mình ngựa, đã giết chết hàng trăm đối thủ bằng những nhát trùy thôi sơn, là những đường gươm lấp lóa, nhanh lẹ tỏa hào quang vờn bay bao phủ, đón đỡ, né tránh hóa giải sức mạnh của đôi trùy đồng, bảo đảm cho thân thể anh ta như đang bọc kín trong lòng quả bóng sắt.
Một nhát chùy lệch đường đập mạnh vào mông con ngựa chiến khiến nó đau đớn quỵ xuống, viên kiêu tướng chới với giữa không trung rồi rơi đánh huỵch xuống đám cỏ ven đường, quả trùy còn lại vừa bị hất lên cao vút đang đà giáng xuống giữa mặt kẻ ngã ngựa. Chân tay viên tướng khi lâm trận mạnh mẽ là thế, sau cú ngã bất ngờ bỗng trở nên bất động, rời rã. Thế là hết, viên tướng già chỉ kịp nghĩ vậy rồi nhắm mắt đón chờ khoảnh khắc quả trùy rơi xuống kết liễu số phận mình...
Đám người xung quanh tưởng như đã biết được kết cục cuối cùng của trận đánh bỗng trở lên nhốn nháo, tình thế đã đảo lộn hoàn toàn, phía bị bao vây đang dùng ý chí dồn sức mạnh vào đôi cánh tay các nghĩa binh đang nắm chặt đốc gươm, chờ phút giây lâm trận. Đám người bao vây nhìn thấy chủ tướng vừa ngã ngựa nên hoang mang, hàng ngũ rối loạn, trận thế có cơ đồ tan vỡ.
Nhanh như cắt, một đường kiếm lóe sáng như tia chớp xẹt tới giữa chiều hoàng hôn, quả trùy đồng nặng hàng chục cân đang thẳng hướng lao xuống bị lưỡi kiếm chém xẹt qua, mất phương rơi, lao chếch sang phía bờ cỏ và đậu xuống cách đầu vị tướng ngót nửa mét. Viên dũng tướng của triều đình thoát chết trong gang tấc, bàng hoàng ngồi dậy ngó sững mặt chàng trai, như để ghi nhớ cho kỹ nét mặt của kẻ đã cứu mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc, rồi hạ lệnh thu quân. Đám nghĩa binh vui mừng ùa vào ôm lấy chàng trai của mình, người đã dũng cảm đối đầu với viên phó soái đang dưới trướng tướng quân Nguyễn Hạnh nổi tiếng một thời Tây Sơn nay thất thế đành ra giúp triều Gia Long.    
  Hữu xạ tự nhiên hương, sau trận chạm trán với quân triều đình, toán nghĩa binh rút về sơn trại, tuy không hoàn thành mục đích của vị đầu lĩnh đề ra, nhưng niềm tự hào về trận chiến thắng đối thủ trong tình huống hoàn toàn bất lợi đã khiến họ quên đi tất cả, chẳng e ngại, họ ồn ào huyên náo tán tụng chiến công, tìm ra những pha đánh đẹp nhất, hay nhất để thổi thêm vào những yếu tố kỳ bí, biến nó thành những câu chuyện nửa hư, nửa thực, rồi bô bô kể lại cho nhau nghe, khiến vị đầu lĩnh khi nghe cũng thấy lạ lùng, khó tin và không giấu nổi vẻ bất ngờ trước sức chiến đấu ngoan cường của kẻ thuộc hạ tuổi trẻ tài cao. Ngay lập tức, ông ra lệnh cho thủ hạ triệu Phan Bá Vành lên gặp mặt và ra lệnh toàn sơn trại tổ chức ăn mừng chiến công vừa qua.
Không như điều ông vẫn hình dung về kẻ thuộc hạ dưới trướng mình, vị đầu lĩnh tỏ ra hoàn toàn bất ngờ khi hội kiến. Ấn tượng khiến ông khó quên ở con người trẻ tuổi có vóc dáng của một con gấu mun đầy hoang dã là đôi mắt to, sáng lấp lánh của trí lực. Từ khuôn mặt vuông vắn, rắn chắc, toát ra vẻ hiên ngang của một đấng trượng phu, rõ khí phách kẻ đội trời đạp đất. Con người này hẳn không chịu bó buộc trong vòng sơn trại với vài ba vụ đánh cướp lẻ tẻ đâu... ông thầm nghĩ... Trấn dinh Hải Dương từ thời Gia Long thứ 4, đã di dời từ Cẩm Giàng về Hàm Giang, sẵn ưu thế quân sự, ngược lên là núi cao, rừng rậm, xuôi xuống là sông sâu, biển lớn, lọt giữa là giải đồng bằng trù phú, phù hợp cho những cuộc chiến quy mô lớn, tốc độ hành quân cao, phát triển lực lượng nhanh, nên sơn trại của ông ở Giáp Sơn, rất gần dinh trấn. Khi động đến triều đình, chỉ cần một vài cánh quân ào đến, chắc hẳn toàn bộ sơn trại của ông sẽ bị triệt hạ ngay lập tức. Biết vậy nhưng vị đầu lĩnh cũng đành thúc thủ tại chỗ bởi tuổi của ông đã khá cao, trong đám thuộc hạ thân cận chỉ rặt những kẻ võ biền vũ dũng, chỉ đâu đánh đấy, tuyệt không có kẻ nào chí lớn xứng đáng gánh vác trách nhiệm của bậc đại trượng phu ở đời. Nay được con người phi thường này về phò giúp, hẳn ý trời muốn phát triển cơ đồ của ông nên một nấc mới chăng.
Trầm ngâm suy nghĩ, rồi ngước sang quan sát chàng trai đang đứng thi lễ trước mặt, lòng vị tướng già dâng lên nỗi niềm cảm hoài, trắc ẩn. Một nhân tài trí dũng vô song, nếu chỉ biết bằng lòng với cuộc sống nơi đây thì thật uổng phí, đáng tiếc. Nhưng những hoài bão lớn thời tuổi trẻ của ông vùn vụt trôi qua là bài học lớn cho bất cứ kẻ nào muốn vươn lên xứng danh đại trượng phu sống giữa trời đất mà không cảm thấy tủi hổ với các bậc tiên hiền, có được Phan Bá Vành bên mình, ông sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh thường niên của sự lo lắng thái quá trong việc kiếm tìm người thay thế kế tục giữ quyền chỉ huy sơn trại. Với tài năng võ nghệ thiên bẩm, cùng tấm lòng nghĩa hiệp, nhân đức của bậc trượng phu, Phan Bá Vành ắt sẽ làm rạng danh sơn trại, duy trì lâu dài được những hoạt động bảo vệ chính nghĩa mà từ khi lập nên sơn trại này ông đã theo đuổi. Nhưng tuổi trẻ thường bồng bột dễ mắc sai lầm, chỉ một quyết định vội vã sẽ dẫn tới chuỗi tai họa khôn lường cho mình và cho tất cả những nghĩa binh nơi đây, nhất là giai đoạn này, khi Gia Long đã thắt chặt được bộ máy cai trị, chính quyền nhà Nguyễn đã cắm rễ quá sâu vào chiếc ngai vàng mà vị vua trẻ tuổi Quang Toản vì nông nổi, hèn yếu đã để vuột mất khỏi tầm tay, xóa bỏ hết mọi công nghiệp của tiên đế Quang Trung dày công gây dựng xây đắp. Đội nghĩa binh của ông dù có mạnh mẽ đến đâu, chiến đấu dũng mãnh đến mấy cũng không đủ sức chống lại cả vương triều, thế tộc nhà Nguyễn. Hơn nữa khi nhìn những người dân nghèo sa cơ thất thế tìm đến với ông cầu cứu sự che chở, ông cũng chỉ đành thở dài bất lực. Sơn trại này chỉ có thể cho họ chỗ trú ẩn tạm thời, chứ không thể cho họ cuộc sống bình an, không thể đảm bảo được cho họ sự yên ổn tự do làm ăn trọn cuộc đời, bởi những nghĩa binh trong sơn trại chỉ cần tỏ ra có những hoạt động chống phá triều đình một cách ráo riết, lập tức sẽ bị cô lập và bị san phẳng, hàng trăm nghĩa sĩ, cùng gia quyến sẽ không còn chốn nương thân, chỉ giây phút sẽ biến thành tội phạm triều đình khó bề tìm chốn dung thân dưới gầm trời này.
Chọn Phan Bá Vành làm người kế tục sự nghiệp chấn hưng sơn trại là lựa chọn sáng suốt, nhưng vị tướng già vẫn băn khoăn một lẽ, với tài trí của Bá Vành thì sơn trại này có cơ hội tồn tại bền lâu, những nghĩa binh lỡ thời sa cơ sẽ có chốn nương náu dài lâu. Nhưng chỉ vì những điều nhỏ nhặt ấy sẽ làm hỏng cả sự nghiệp của Bá Vành, bởi ông biết trong con người chàng trai vùng ven biển ấy còn ẩn chứa cả gánh trách nhiệm lớn lao giải cứu muôn dân thoát khỏi sự bóc lột, đè nén của đám vua tôi nhà Nguyễn. Ông hiểu chỉ có những người có khí phách hiên ngang như chàng trẻ tuổi này mới đủ tầm đối kháng, tranh đoạt vương vị với triều đình hiện tại.
- Ta biết anh theo ta đã lâu, những điều ta và các chiến hữu ở đây còn trăn trở đêm ngày chắc anh cũng rõ. Anh là người xứ lạ, theo về đây cũng như người trong nhà, nay ta mời anh lên tất có thiển ý, không biết anh có thể giúp ta giải nỗi băn khoăn bấy lâu đè nặng trong lòng hay không? – vị tướng cất tiếng hỏi.
 - Thưa đầu lĩnh, tôi bỏ quê xa, mẹ già, em dại tới đây theo ông luyện tập võ nghệ, ngoài ý thích bay nhảy cho biết đây biết đó của tuổi trẻ, tôi còn mang trong lòng một mối ưu tư, những mong sớm được gặp ông để trình bày cho tỏ cái dạ của mình, nhưng cơ hội được diện kiến ông chưa đến. Nay lại được ông cho gọi đến đây, cũng là dịp may mắn lớn trong đời, lẽ nào tôi lại từ chối giúp những việc ông cần khi sức của tôi có thể đảm đương được, xin ông chớ ngại.
- Vậy mới xứng mặt nam nhi chứ - vị tướng già cất tiếng cười sảng khoái, rồi đột nhiên lớn tiếng hỏi – Anh thấy sơn trại của ta thế nào?   
 - Thưa đầu lĩnh, sơn trại này chỉ phù hợp với những ai muốn lánh xa thế sự, tìm chốn ẩn cư cầu mong cuộc sống nhàn tản, tự tại làm vui thôi.   
- Khá khen cho óc quan sát của anh – vị tướng ngưng cười - tôi muốn anh chỉ giáo đôi chút về chiến lược phát triển mai này của nó kia. 
- Trấn Hải Dương có địa hình, địa thế phù hợp cho các trận đánh quy mô lớn, tiến triển nhanh bởi lối giao thông hành binh theo hai đường thủy bộ đều thuận tiện, khi tác chiến có thể cơ động tiến thoái. Nay phủ Kinh Môn cận sát trung tâm trấn, tuy có thiên thời, địa lợi, nhờ tổ sơn An Phụ, núi Kính Chủ với động Dương Nham cao hút tới trời, sức chứa đến ngàn quân tốt cho phòng thủ cục bộ, Phía tây  có sông sâu ngăn cách đất Chí Linh, phía Bắc dòng chảy tới Đông Triều, phía Nam tới tận huyện Kim Thành, phía Đông dòng chảy ra Bạch Đằng tới bể Đông, lòng sông ở phía Đông tuy hẹp mà sâu, nước tuy chảy xiết nhưng không ngăn được chiến thuyền của triều đình, quân trong sơn trại có đông cũng không thể huy động chặn đứng các cửa sông. Chính những điều ấy là nguyên nhân chính làm cản trở tướng quân khi muốn lựa chọn đất làm thế phát triển lâu dài.
- Thế đất của sơn trại ta là vậy, nhưng ta vẫn giữ được nhiều mối quan hệ tốt với các quan nội triều trụ cột, việc bị dồn vây đánh ép tất không thể xảy ra, những điều anh nói có thực sự đáng lo ngại không?
- Dựa vào các vị quan nội triều để duy trì hoạt động cho sơn trại là việc tốt, nhưng đó chưa phải là thượng sách. Từ trấn Hải Dương tới kinh thành Phú Xuân đường xá xa xôi, liệu một vị tướng lãnh mệnh vua đi tiễu trừ loạn đảng, có chờ đợi khớp phù từ tay những vị quan trụ cột triều đình kia rồi mới phát binh tiến công kẻ địch trên chiến trường không? Hơn nữa tin tức từ đây đưa vào, đến tay các vị thân quan thì ngoài này chúng ta đã bị họ hốt sạch sẽ rồi, còn gì mà cứu cánh đây.   
- Vậy theo anh còn cách nào cứu vãn được tình trạng ấy? Lẽ nào lại di dời sơn trại đi tìm chốn nương thân mới... Vị tướng thở dài.
- Tôi chỉ là một anh nông phu nói năng thô thiển, được ngài quan tâm lắng nghe không trách cứ, dám đâu không thổ lộ hết tâm huyết của mình ra cho được. Ngay từ khi quyết định theo ông, tôi đã muốn đem lời hơn lẽ thiệt bàn về điều lợi hại, được mất của chiến lược phát triển dài lâu cho sơn trại ra trình bày cùng ông. Theo những tin tức tôi thu thập được thì tiềm năng phát triển sơn trại chúng ta hiện nay còn hạn hẹp, cả về tài lực và vật lực. Nếu mở rộng lãnh địa hoạt động, tuyển thêm và tổ chức huấn luyện đội ngũ chiến đấu cho các nghĩa binh mới, chúng ta cần phải có nguồn kinh tài dự trữ và nguồn lương thực dự phòng thật dồi dào.    
- Ruộng đất và các nguồn cung cấp lương thực cho sơn trại có bấy nhiêu, chỉ đủ duy trì cơ số quân hiện tại, mở rộng lãnh địa và phát triển rộng thêm là điều ta hằng theo đuổi, và cũng là mục đích lớn trong đời ta, nay tuyển mộ thêm nghĩa sĩ tất kéo theo nhiều phiền toái, kinh động đến triều đình, ta e không ổn... Vị tướng già âm trầm nghĩ ngợi, những điều Phan Bá Vành đưa ra đều sâu sát với tình hình hiện thời, nên có sức thuyết phục lớn đối với ông.
- Từ thuở các bậc tiên hiền dựng gây vương nghiệp đều ỷ sức dân, nương tựa vào trong dân gian mà thành nghiệp lớn, Chúa Tiên trên đường lánh nạn Trịnh Kiểm, xin vua Lê cho vào trấn thủ bờ cõi Thuận Hóa, đã biết dựa sức dân mở rộng lãnh địa về phương Nam, con cháu đời đời sau nối nghiệp chúa hết lòng thờ phụng triều Lê, nay Gia Long ỷ thế chính trị trong nước rối loạn, mượn thế nước suy đồi nổi lên đuổi Lê diệt Nguyễn (Tây Sơn) tự lập vương xưng đế tại Phú Xuân, ỷ sức mình coi thường muôn dân,  nay đầu lĩnh muốn phất cao ngọn cờ đại nghĩa, lại chỉ vì những khó khăn trước mắt của sơn trại mà hạn chế kẻ ứng nghĩa, bỏ qua những kẻ nông phu không tuyển thì việc mưu cầu nghiệp lớn tất khó thành...
Càng nghe vị tướng già càng cảm thấy mình sẽ bị thuyết phục hoàn toàn bởi cách diễn đạt mộc mạc, dễ hiểu nhưng rất minh bạch của chàng trai vùng ven biển. Dựa vào nông phu mà làm cuộc nổi loạn, là việc mạo hiểm, không thể một sớm một chiều mà huấn luyện họ thành những chiến binh, hơn nữa ở cái tuổi gần đất xa trời ông không thể mạo hiểm thêm một lần nữa mặc áo giáp nhảy lên mình ngựa xông pha trước hòn tên mũi đạn. Nếu để Phan Bá Vành thay ông lãnh đạo, sơn trại tất phát triển vững vàng, nhưng chắc chắn không thể đến mức mưu cầu được nghiệp bá vương. Qua cuộc sơ kiến, ông đã cảm nhận rõ, đằng sau nét mộc mạc, chân chất của chàng tá điền nghèo khổ là tài năng tổ chức lãnh đạo thiên bẩm, lộ rõ khí chất của một bậc đế vương giữa chốn trần ai. Anh ta cần phải có thời gian và đất sống để dụng võ, phủ Kinh Môn nhỏ hẹp sẽ làm mai một tài năng của chàng trai trẻ này trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã giữa chốn núi xanh rừng thẳm. Phải giúp anh ta rèn luyện bản lĩnh của một vị thống soái trước toàn quân... Vị tướng già đã nghĩ vậy.
Cuộc gặp gỡ với vị tướng già đã làm thay đổi hoàn toàn nhãn quan và cách đánh giá, tiếp cận với những vấn đề mang tính thời cuộc trong tư duy chàng trẻ tuổi đang náo nức muốn tìm cho mình một cơ hội để thử sức với đời. Những vấn đề mà vị tướng già còn bế tắc, băn khoăn chưa tìm ra hướng giải quyết, và sẽ được định hướng giải quyết trong một ngày không xa, nay được Phan Bá Vành cẩn trọng ráp mối ngẫm ngợi, suy tính, rồi cân nhắc lợi hại hơn thiệt. Những ý nghĩ nung nấu tâm can chàng trẻ tuổi vẫn là hình ảnh của người nông phu tiều tụy, xanh xao đêm ngày năn nỉ xin gia nhập đội nghĩa binh trong sơn trại, nhưng đều bị các quản binh từ chối thẳng thừng. Điều này tuy đã được vị tướng già giải thích thấu đáo nhưng chàng trai xứ Sơn Nam Thượng vẫn thấy ẩn sau nó có điều gì bất nhẫn, đó không thể là giải pháp tối ưu cho một thủ lĩnh tụ nghĩa khởi binh lựa chọn. Bài học lịch sử của nhà Nguyễn Gia Long nhờ sức nông phu mà dấy nghiệp vương bá, rồi thành nghiệp đế cũng phải bắt đầu từ việc mở mang lãnh địa, lôi kéo giành giật lấy những kẻ nông phu nghèo khổ, không thước đất trong tay theo mình. Trong cuộc lẩn trốn vòng truy sát của Trịnh Kiểm mà vị tổ Nguyễn Hoàng tự nhiên có được vùng đất Thuận Quảng, lại khéo biết tụ hợp, tổ chức đám nông phu phiêu dạt lưu tán theo về mà phát triển hùng cứ cả cõi Đàng Trong. Trải các đời chúa Nguyễn kế tiếp, vẫn nhờ tận dụng sức lực của dân phu mà mở mang thêm bờ cõi, lãnh địa về Phương Nam hình thành vững chắc nền công nghiệp, tạo ra lượng lương thực dư thừa nuôi cuộc chiến tranh phân chia quyền lực với họ Trịnh hàng trăm năm. Nay phủ Kinh Môn chỉ biết dựa vào dãy An Phụ, Kính Chủ làm thành cao, lấy sông sâu làm hào, nguồn lương thực tự cung tự cấp, nghề canh nông lại bị hạn chế nhiều bởi đất đai trồng cấy có hạn, không thể đủ sức chấn hưng công nghiệp theo hướng vị tướng già hằng đeo đuổi, ngần ấy điều bất lợi tất sự nghiệp lớn khó thành. Hơn nữa khi xét về thực lực, vị tướng già tuổi cao sức yếu không còn khả năng gánh vác công việc đại sự, lại phải căng mình lo toan giữ gìn mạng sống cho hàng trăm nghĩa binh chí khí đã giảm sút nhiều sau các cuộc biến động chính trị xã hội, những chiến hữu từng một thời vào sinh ra tử, đang cùng vợ con bìu ríu cốt mong có nơi nương tựa, sinh kế làm ăn lâu dài thì những việc đại sự khác không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tìm ra phương hướng giải quyết cho một mớ bòng bong những vấn đề ấy khó khăn khôn xiết, bản thân vị tướng già và các chiến hữu của ông cũng không thể giải quyết trọn vẹn toàn bộ cho thấu đáo, câu trả lời và đầu mối gỡ duy nhất phải chăng chính là tiếng rên xiết trước cuộc sống bế tắc của những người nông phu tiều tụy, nghèo đói, đang vùng vẫy tuyệt vọng trước cái chết dần dần kéo đến bởi nạn thuế khóa, sưu dịch, phu phen phát ra từ sau lớp vương miện óng ánh sắc vàng của vị hoàng đế Gia Long... Chàng trai trấn Sơn Nam Thượng mơ hồ hình dung ra từ sâu thẳm trí óc của mình câu trả lời như thế.


1 nhận xét:

  1. Tác giả vui lòng cho tôi xem toàn bộ tiểu thuyết được k ạ

    Trả lờiXóa